Samsung (tiếng Hàn: 삼성, Romaja: "Samseong", phiên âm chuẩn: "Xam-xâng", Hanja: 三星; phiên âm Hán-Việt: "Tam Tinh" – có nghĩa là "3 ngôi sao") là một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ của Hàn Quốc có trụ sở chính được đặt tại khu phức hợp Samsung Town, quận Seocho, thành phố Seoul. Tập đoàn này hiện sở hữu rất nhiều công ty con, chuỗi hệ thống bán hàng cùng các văn phòng đại diện trên phạm vi toàn cầu, hầu hết đều đang hoạt động dưới tên thương hiệu 'Samsung', đây là tập đoàn tài phiệt đa ngành (Chaebol) có quy mô và tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất tại Hàn Quốc nói riêng và đồng thời cũng là một trong những thương hiệu công nghệ đắt giá bậc nhất trên thế giới hiện nay.Samsung được sáng lập bởi Lee Byung-chul - doanh nhân kiêm nhà tư bản công nghiệp người Hàn Quốc vào năm 1938, với sự khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ lẻ. Sau hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, tập đoàn Samsung dần đa dạng hóa các ngành nghề bao gồm: chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản và bán lẻ. Samsung bắt đầu tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử vào cuối thập niên 60, xây dựng các nhà máy đóng tàu vào giữa thập niên 70. Sau khi Lee Byung-chul mất vào năm 1987, Samsung tách ra thành 4 tập đoàn nhỏ hơn, bao gồm: Samsung, Shinsegae, CJ và Hansol. Từ thập niên 90, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển chiến lược nhiều nhất vào lĩnh vực công nghệ cao và điện tử tiêu dùng, cụ thể là các mảng điện thoại di động, TV, chip điện tử và chất bán dẫn. Kết quả, nhiều lĩnh vực trên dần trở thành mũi nhọn quan trọng bậc nhất, có sự đóng góp ngày càng lớn và chiếm một tỷ lệ cao, đến mức gần như không thể thay thế vào tổng doanh thu chung của cả tập đoàn.
Những công ty con đáng chú ý khác của Samsung bao gồm: Samsung Electronics (công ty điện tử - công nghệ cao lớn nhất trên thế giới tính theo doanh thu, và lớn thứ 4 thế giới theo giá trị thị trường vào năm 2012), Samsung Heavy Industries (công ty đóng tàu lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Hyundai Heavy Industry), Samsung Engineering và Samsung C&T (lần lượt là các công ty xây dựng lớn thứ 12 và 36 thế giới). Những công ty con quan trọng khác bao gồm Samsung Life Insurance (công ty bảo hiểm lớn thứ 14 thế giới), Samsung Everland (quản lý Everland Resort, công viên chủ đề lâu đời nhất ở Hàn Quốc), Samsung Techwin (công ty khám phá không gian vũ trụ, sản xuất thiết bị giám sát, bảo vệ, thiết bị quân sự,...) và Cheil Worldwide (công ty quảng cáo lớn thứ 15 thế giới theo doanh thu năm 2012).Năm 2019, Samsung có giá trị thương hiệu toàn cầu lớn nhất tại khu vực châu Á nói riêng và đồng thời xếp hạng 4 trên thế giới. Tháng 7 năm 2020, Samsung một lần nữa vượt qua những đối thủ lớn như Apple, Google, Sony, LG, Panasonic, Philips,... để tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng 1.000 thương hiệu được yêu thích nhất châu Á trong 9 năm liên tiếp do các công ty hàng đầu, chuyên về nghiên cứu thị trường là Campaign (Asia-Pacific) và Nielsen Media Research thực hiện. Tháng 10 năm 2020, theo công bố của Interbrand, Samsung vượt qua nhà sản xuất xe hơi Toyota (Nhật Bản) để trở thành thương hiệu đắt giá nhất châu Á, xếp hạng 5 toàn cầu sau Google, Microsoft, Amazon và Apple (Mỹ). Tháng 11 năm 2020, Samsung với thị phần đạt mức 33,7% tiếp tục vượt qua Apple (30,2%) để đứng số 1 - dẫn đầu thị trường Smartphone tại Mỹ sau ba năm (2017, 2018, 2019) xếp thứ 2. Cũng trong năm 2020, Brand Finance - hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập của Vương quốc Anh công bố kết quả báo cáo về thương hiệu quốc gia, theo đó, trị giá thương hiệu Samsung được định giá xấp xỉ 95 tỷ đô la Mỹ - đứng số 1 châu Á, thứ 5 trên thế giới, xếp trên nhiều tên tuổi lớn như Facebook, Volkswagen, Walmart, Toyota, Huawei,... và chỉ sau 4 tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ (Amazon, Google, Apple và Microsoft). Sang tới năm 2021, con số trên tiếp tục tăng thêm, lên mức 102,6 tỷ USD nhưng Samsung vẫn giữ hạng 5 toàn cầu, ngoài ra, Samsung còn là 1 trong 16 công ty công nghệ sáng tạo nhất thế giới với vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng của Boston Consulting Group (giảm 1 hạng so với năm 2020).Samsung đã và đang có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa, đời sống xã hội ở Hàn Quốc, là động lực, 'hạt nhân' chính thúc đẩy đằng sau sự thành công của 'Kỳ tích sông Hán'. Đóng góp tới 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này, đồng thời, doanh thu của tập đoàn cũng đã từng chiếm tới 17% trong tổng quy mô GDP 1,100 tỷ USD của nền kinh tế Hàn Quốc năm 2013.
View More On Wikipedia.org